Từ chiều, cơn giông đã kéo đến. Trên bầu trời, mây đen kịt kéo đến. Dường như chúng đang đuổi theo con thuyền của chúng tôi. Nhanh lên, sắp về tới nhà rồi. Con người bắt đầu chen nhau chạy thật nhanh tìm chỗ trốn mưa. Nhưng chưa. Cơn giông trên sông dòng sông Đà thật mạnh mẽ. Cửa đập ầm ầm, những chiếc lá, quả khô bị gió cuốn thốc vào nhà, xuyên từ cửa chính sang cửa ban-công. Trong nhà đầy những lá là lá. Một người được cử ra đóng chặt cửa. Trước cửa ban-công có đặt một chiếc bàn và dăm chiếc ghế thấp lè tè. Mất điện.
Ở Thung Nai, đang ăn cơm, mất điện. Tối, mất điện. Đang hát tình ca Tây Bắc, mất điện. Mưa, mất điện. Bão, mất điện. Nửa đêm, mất điện. Ngày… mất điện. Không ai tin rằng đang ở giữa vùng thủy điện – ngay sát cạnh nhà máy thủy điện Hòa Bình to nhất Việt Nam mà lại mất điện một cách phi lý như vậy. Báo đài nói mãi, không tin, thì hãy cứ thử sống ở đây, ít là vài ngày xem sao. Có ở đây mới thấm cái tình người của anh em đồng bào dân tộc đã chịu thiệt thòi xa xứ, di chuyển khỏi những ngọn núi, nơi gắn kết họ từ bao đời nay để đi làm kinh tế mới. Thấm cái câu như anh bạn tôi nói:”Bóng ở dưới chân ngọn đèn”.
Thung Nai chính là nơi con sông Đà đa tình, hung dữ, hiền hòa, xinh đẹp và hùng vỹ, hiểm trở và khó chinh phục… trong “Bút ký sông Đà” của Nguyễn Tuân bị/được con người lựa chọn là nơi ngăn dòng chảy và chứa nước sông Đà khi nhà máy Thủy điện Hòa Bình được xây dựng. Xưa kia, xứ Mường Hòa Bình xưa nổi danh với bốn mường: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thành, Mường Động với bốn dòng họ lớn: Đinh, Quách, Bạch, Hà nối nhau làm quan lang. Giờ, cả một thung lũng đầy trầm tích văn hóa đã trở thành hồ thành sông, một vùng mênh mông sóng nước. Trước kia, bao quanh Thung Nai là những ngọn núi cao vút, giờ đây nước dâng lên mấp mé các ngọn núi. Cứ tưởng tượng, những người khổng lồ có mái tóc húi cua đang đứng sừng sững bị nước dâng lên, sát cổ, sát cái tai, sát đỉnh đầu họ.
Mùa nước cạn, cả dòng sông màu phù sa đục – nhưng không ngầu, mà rất bình lặng, mực nước sát ngực những ngọn núi để trơ màu đá cùng màu xanh của cây cối. Rác (chủ yếu là gỗ tạp) từ Sơn La kéo về, nước không thoát được. Thuyền bè đi lại hay bị mắc vào rác vụn đặc sệt đó. Người chủ thuyền phải lấy con sào, chọc tấm gỗ mục đang dập dềnh mắc vào guồng máy, loay hoay mãi rồi cũng đưa được khách qua suối Vầy Nưa. Khách chịu khó lội đến thượng nguồn con suối Vầy Nưa sẽ thấy một con thác nhỏ, nhỏ là nhỏ thời bây giờ thôi, chứ trước kia, thác cũng oai hùng lắm, dũng mãnh lắm. Trên suối Vầy Nưa có rất nhiều loại đá đủ hình thù và mầu sắc rất lạ.
Vào mùa nước nổi, mực nước dâng lên ngấp nghé đỉnh núi, nhìn từ trên xuống, chỉ còn thấy chỏm núi xanh rì, trông chúng như những chiếc nấm rơm xanh nhỏ bé, đáng yêu. Và núi, và mây, và nước là một sự kết hợp đặc sắc của các màu xanh tạo nên một cảm giác về Hạ Long thứ hai.
Mưa đã đến. Mưa xiên thành khối, sầm sập rơi trên Thung Nai. Mặt nước bàng bạc, gió vẫn thổi ào ạt. Đứng trên cao, ngắm nhìn Thung Nai trong mưa, lại nhớ tới “Mưa Nhã Nam” của Nguyễn Huy Thiệp. Mưa to lắm rồi, mưa bắt người phải lùi lại, phải chui vào căn phòng nhỏ mà ngóng thiên nhiên đang vần vũ ngoài kia. Nhưng, ngoài xa kia, lầm lũi một con thuyền độc mộc xuyên trong màn mưa. Họ làm gì ngoài mưa gió thế? Chở khách ư? Không phải. Câu cá ư? Không. Chắc là trên đường về nhà đó thôi. Mưa vẫn rầm rập như đuổi nhau. Lại nhớ đến “Mưa trên biển vắng”. Mưa ở biển bao la mênh mông quá, con người thì nhỏ bé hữu hạn. Mưa ở biển làm sao mà ngắm kỹ được như mưa ở Thung Nai.
Lại một con thuyền nữa, người ta chèo thuyền bằng chân, người ngả ra phía sau, đầu đội chiếc nón, khoác chiếc áo mưa xanh. Thuyền mưa trôi len lách giữa các mỏm núi nhỏ. Thú vị bởi cảm thấy dư vị của cuộc sống. Nó đang ở nơi đây. Và tiếng hát của “Bài ca trên núi” của Nguyễn Văn Thương vang lên từ ngôi nhà sàn:
“Đầu trời có sao chiều sao sớm
Đầu núi kia có ớ ơ hai người
Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi
Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người… yêu nhau”.
Tour du lịch Thung Nai Hòa Bình 2 ngày 1 đêm.